Về mặt tổ chức, các quốc gia khác nhau, và tuỳ thuộc vào vấn đề chính sách, cách tổ chức cũng có thể khác nhau. Thông thường, sau khi đã xác định rõ mục tiêu, chính phủ sẽ thành lập tiểu ban soạn thảo chính sách. Tiểu ban này bao gồm các công chức, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Thành viên của tiểu ban này phải đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn (nắm vững các kiến thức, thông tin liên quan), về kinh nghiệm (đã theo dõi các vấn đề chính sách tương tự), và cả về tính đại diện (đảm bảo sự hài hoà về lợi ích của các ngành, bộ, nhóm dân cư v.v. bị ảnh hưởng bởi chính sách).
Tiểu ban này có trách nhiệm xây dựng các phương án (chương trình) chính sách trên cơ sở khoa học, và thực tế có tham khảo ý kiến các đối tượng liên quan (kể cả lấy ý kiến nhân dân, nếu chính sách đó có phạm vi rộng và có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của đa số nhân dân). Sau các tiếp thu ý kiến và chỉnh lý cần thiết, các phương án chính sách sẽ được trình cho các cấp có thẩm quyền để thông qua như bộ, ngành, chính phủ hay quốc hội, tuỳ thuộc vào luật và các quy định pháp lý cụ thể.
Khoa học chính trị đang hướng tới cung cấp các kiến giải để giúp cho việc thiết kế tổ chức này ngày càng khoa học hơn. Do vậy, việc phân tích nội dung của quá trình hoạch định chính sách phải lấy giai đoạn xây dựng và thông qua chính sách là giai đoạn trung tâm.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích giai đoạn này của chu trình chính sách. Hai câu hỏi trung tâm của các nghiên cứu là: Làm thế nào để có các chính sách tối ưu? Ai là người có tiếng nói quyết định với việc thông qua chính sách? Dù cách tiếp cận có khác nhau, khái quát lại, các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy có bốn yếu tố chính ảnh hưởng đến mọi hoạch định chính sách: tính khoa học, tính tiệm tiến, tính đại diện, và tính thể chế.
(1) Tính khoa học
Đây là yêu cầu hiển nhiên cho mọi phương án chính sách. Tuy nhiên, bản thân sự tồn tại của các phương án đã tự nói lên vấn để: chưa phải mọi điểu đều có thể luận giải một cách khoa học, đáng tin cậy và không gây tranh cãi. Cơ sở khoa học (hay tính tối ưu) của phương án sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tính khả thi cũng như hiệu quả cuối cùng của chính sách. Từ góc độ chính trị học cần phân biệt rõ tính hướng đích của chính sách: tính tối ưu đối với mục đích cụ thể để giải quyết vấn đề cụ thể, và vì vậy việc xác định hệ tiêu chí có ý nghĩa quan trọng. Để làm được việc đó, công việc đầu tiên là phải xác định rõ mục tiêu chính sách, các khả năng giải quyết mục tiêu đó, các ưu khuyết điểm, cũng như chi phí và ích lợi của từng khả năng. Đây là các nguyên tắc chung định hướng cho nhóm xây dựng chính sách.
Đọc thêm tại: http://tinchinhtrixahoi.blogspot.com/2015/07/cac-buoc-trong-quy-trinh-chuan-bi-chinh.html
Từ khóa tìm kiếm nhiều: phân
tích chính sách công, chính
sách văn hóa