Quan niệm vùng kinh tế ở Việt Nam

       Hiện tại ở Việt Nam định nghĩa vùng kinh tế theo cách của các học giả Liên Xô trước đây vẫn được sử dụng, trong số đó có định nghĩa của Alaev như sau: “Vùng kinh tế là một bộ phận lãnh thổ nguyên vẹn của nền kinh tế quốc dân, có những dấu hiệu sau: chuyên môn hoá những chức năng kinh tế quốc dân cơ bản; tính tổng hợp: được hiểu theo nghĩa rộng như là mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lãnh thổ của vùng…, coi vùng như là hệ thống toàn vẹn, một đơn vị có tổ chức trong bộ máy quản lý lãnh thổ nền kinh tế quốc dân”.

Quan niệm vùng kinh tế ở Việt Nam

      Một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với vấn đề này là: cái gì tạo nên một vùng kinh tế? Các tác giả của một công trình nghiên cứu vùng quan trọng mới đây của Việt Nam cho rằng: “Cơ sở hình thành và phát triển vùng là các yếu tốtạo vùng, trong đó yếu tốtiền đề là phân công lao động theo lãnh thổ. Sự phân công lao động theo ngành đã kéo theo quá trình phân công lao động theo lãnh thổ. Yếu tố phân công lao động theo lãnh thổ là yếu tố lý giải quá trình tạo vùng.”. Để củng cố cho quan điểm của mình, các tác giả còn dẫn thêm một định nghĩa khác: “Một bộ phận lớn của lãnh thổ quốc gia có các hoạt động kinh tế xã hội tiêu biểu, thực hiện sự phân công lao động xã hội trên phạm vi cả nước. Đây là loại vùng có quy mô diện tích, dân số ở cấp lớn nhất, phục vụ việc hoạch định các chiến lược, các kế hoạch phát triển theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên mỗi vùng của đất nước”.

       Liên quan đến khái niệm vùng kinh tế còn có một số khái niệm quan trọng khác, được nhóm tác giả Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú sử dụng trong công trình nghiên cứu của mình, đó trước hết là khái niệm vùng được dẫn lại từ các học giả Trung Quốc: Thôi Công Hào, Ngụy Thanh Tuyền, và Trần Tôn Hưng trong tác phẩm Phân tích vùng và Quy hoạch vùng (Nhà xuất bản Đại học Trung Quốc năm 2002). “Vùng là một phần của bề mặt trái đất, nó dựa vào một hoặc nhiều loại tiêu chí phân biệt với phần lân cận”, “vùng là một phạm vi xác định nào đó của bề mặt trái đất” “vùng là không gian, là một trong các hình thức tồn tại của vật chất”. Nhóm tác giả Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Phú cũng đưa ra định nghĩa riêng về vùng: “Trên giác độ quản lý đất nước, vùng được quan niệm là cấp trung gian giữa quốc gia và tỉnh, vùng bao gồm một sô” tỉnh và một quốc gia có một số vùng”. “Vùng là một khái niệm không gian, là hình thức kết cấu của vùng đất chiếm một không gian nhất định trên mặt đất, dựa vào điều kiện vật chất khác nhau làm đối tượng. Vùng có các thuộc tính cơ bản như sau:

- Một phần của bề mặt trái đất, chiếm không gian nhất định (không gian ba chiều). Một số không gian này có thể là không gian tự nhiên, không gian kinh tế, không gian xã hội…;

- Có phạm vi và ranh giới nhất định. Phạm vi của nó có thể lớn, có thể nhở do căn cứ vào các yêu cầu khác nhau, hệ thống chỉ tiêu khác nhau để phân chia. Ranh giới của vùng thường có đặc trưng mang tính quá độ, là một “dải đất” biến đổi cả về lượng và chất; ranh giới vùng theo tự nhiên có lúc là đứt đoạn (còn gọi là không liền khoảnh), nhưng phần lớn có tính liên tục (liền khoảnh);

- Có hình thức kết cấu hệ thống nhất định. Tính phân cấp hoặc tính nhiều cấp, tính phân tầng. Do vậy vùng có mối quan hệ giữa trên với dưới, dọc và ngang. Mỗi một vùng nhỏ là một phần hợp thành để tạo nên một vùng lớn hơn”.