Những khía cạnh ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam

     Các thành quả của quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt được nhờ tăng trưởng kinh tế, bởi vì tăng trưởng kinh tế là gia tăng thu nhập về lượng của nền kinh tế quốc dân trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Trong bối cảnh các vùng kinh tế Việt Nam hiện nay, tăng trưởng kinh tế phải được xếp hạng ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, dù có coi tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu, thì chúng ta vẫn không thể quên được rằng tăng trưởng chỉ là phương tiện để Việt Nam đạt tới mục đích phát triển bền vững. Chính vì vậy ưu tiên tăng trưởng không phải là ưu tiên bằng mọi giá, mà là ưu tiên có điều kiện, ưu tiên hợp lý, tùy thuộc vào lợi thế so sánh của từng không gian, thời gian, điểu kiện môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chế, con người của từng địa phương, từng vùng kinh tế nhất định trong mối tương quan với các địa phương, các vùng khác trong cả nước, và trong cả mối tương quan với khu vực và quốc tế nữa.

Những khía cạnh ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam

     Khi thực hiện chiến lược ưu tiên tăng trưởng hợp lý hướng vào mục tiêu kinh tế trong từng vùng kinh tế của mình, Việt Nam không được phép quên đi hoặc bỏ qua tầm quan trọng sống còn của các mục tiêu xã hội của mình. Các mục tiêu xã hội đó thể hiện ở việc đảm bảo các lĩnh vực sau:

i) Ưu tiên tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo công bằng xã hội, đặc biệt là đảm bảo rằng người nghèo, các nhóm người yếu thế, các cộng đồng tại các vùng ngoại vi đô thị, tại các vùng sâu, vùng xa cũng phải được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng và phát triển;

ii) Ưu tiên tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với việc thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân tại tất cả các vùng trong cả nước;

iii) Ưu tiên tăng trưởng kinh tế phải đồng hành cùng việc ban hành và thực hiện hệ thống chính sách ưu tiên phát triển các cộng đồng dân tộc thiểu số;

iv) Ưu tiên tăng trưởng kinh tế phải gắn liền vớiviệc ban hành và thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, các giá trị và bản sắc văn hóa của từng cộng đồng, địa phương và vùng kinh tế.