Khung ưu tiên phát triển bền vững vùng ở Việt Nam

- Khi xác định các ưu tiên cho từng phương thức công nghiệp hóa, đô thị hóa, và hiện đại hóa bền vững các vùng lãnh thổ ở Việt Nam cần chú ý đến các chiến lược sau:

Khung ưu tiên phát triển bền vững vùng ở Việt Nam

i) Lựa chọn con đường công nghiệp hóa mới, trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực, không hy sinh các nguồn khan hiếm của nông nghiệp truyền thống đặc biệt là đất nông nghiệp, rừng, các nguồn nước, không khí trong lành để đổi lấy công nghiệp hóa bằng mọi giá;

ii) Lựa chọn con đường đô thị hóa mới, trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực, không được phép hy sinh nông nghiệp, nông dân và nông thôn; ngược lại phải xây dựng các chiến lược phát triển nông nghiệp, tăng cường phúc lợi cho nông dân, phục hưng nông thôn; không hy sinh các chân giá trị văn hóa, xã hội nông nghiệp truyền thống để đổi lấy đô thị hóa bằng mọi giá;

iii) Lựa chọn con đường hiện đại hóa mới, trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực, không đồng nhất với Tây phương hóa, nhưng cũng không tự cô lập mình với thế giới, đó phải là con đường hiện đại hóa bằng vốn, kỹ thuật, khoa học, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao mức sống, xây dựng một xã hội Việt Nam thịnh vượng, làm phong phú thêm bản sắc, truyền thống, lối sống Việt Nam.

- Khi xác định các vai trò ưu tiên của Nhà nước và người dân cho việc phát triển bền vững vùng kinh tế Việt Nam cần chú ý đến các chiến lược sau:

i) Nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc tìm kiếm, khai thác, quản lý và phân bổ các nguồn khan hiếm, đặc biệt là vai trò hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường và vai trò tạo hành lang pháp lý cho việc tìm kiếm, khai thác, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn khan hiếm một cách hiệu quả;

ii) Nâng cao vai trò của Nhà nước trong quá trình dân chủ hóa, minh bạch hóa việc tìm kiếm, khai thác, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn khan hiếm nhằm đảm bảo công bằng xã hội;

iii) Tăng cường năng lực, vai trò tham gia và đảm bảo các quyền của người dân trong các quá trình tìm kiếm, khai thác, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn khan hiếm nhằm mục đích xây dựng các vùng kinh tế Việt Nam thịnh vượng.

- Khi xác định các ưu tiên nắm bắt được cơ hội, vượt qua được thách thức và tránh được rủi ro trong việc tìm kiêm và cung cấp các nguồn lực cho việc phát triển bền vững vùng kinh tê Việt Nam cần chú ý đến các chiến lược sau:

i) Sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, và không để lọt ra ngoài các nguồn khan hiếm nội địa sẵn có;

ii) Tận dụng khả năng và cơ hội nội địa hóa các nguồn khan hiếm từ bên ngoài;

iii) Không biến các vùng kinh tế của Việt Nam thành các trung tâm ô nhiễm, thành nơi chứa các loại rác thải công nghiệp và công nghệ lạc hậu của nước ngoài;

iv) Không khai thác quá mức hoặc cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy các loại vốn và hoặc hàng hóa, công nghệ; không biến các vùng khai thác tài nguyên thành tiêu điểu, hoặc thành các bãi rác thải khổng lồ;

iv) Gia tăng năng lực phát minh và sản xuất các nguồn thay thế bằng phát triển khoa học và công nghệ.

- Khi xác định các ưu tiên biến khan hiếm tuyệt đối các nguồn thành khan hiếm tương đối, phục vụ cho việc phát triển bền vững vùng kinh tế Việt Nam cần chú ý đến các chiến lược sau:

i) Phát huy lợi thế cạnh tranh trong điều kiện khan hiếm các nguồn theo đặc trưng riêng của từng vùng để cung cấp các nguồn có ưu thế cạnh tranh lớn hơn các vùng khác;

ii) Không cạnh tranh bằng mọi giá với vùng có ưu thế cạnh tranh tuyệt đối lớn hơn vùng mình về một hoặc những nguồn lực, hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó;

iii) Tăng cường liên kết giữa các các tiểu vùng, các vùng trong phạm vi đất nước, liên kết với khu vực và quốc tế để phát huy được các lợi thế cạnh tranh, giảm được các điểm bất lợi của vùng mình;

iv) Tập trung phát triển các nguồn lực có thế mạnh truyền thống trong so sánh quốc nội và quốc tế, đặc biệt là các lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế biển chẳng hạn.

- Khi xác định các ưu tiên tìm kiếm và cung cấp nguồn nhân lực cho việc phát triển bền vững vùng kinh tế Việt Nam cần chú ý đến các chiến lược sau:

i) cải thiện số lượng nguồn nhân lực vùng kinh tế Việt Nam một cách hợp lý về tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, tỷ lệ di cư, nhập cư, tỷ lệ lao động trong các khu vực kinh tế, v.v…;

ii) cải thiện chất lượng nguồn nhân lực về điều kiện sống, mức sống, tỷ lệ người biết chữ, tỷ lệ học vấn và trình độ chuyên môn, sức khỏe, mức độ hưởng thụ văn hóa và thỏa mãn với cuộc sống, v.v…;

iii) Phát triển đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, có trình độ;

iv) Đột phá vào các nguồn lực mũi nhọn, đặc biệt là phát triển việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm gia tăng khả năng thay thế tình trạng khan hiếm phổ biến nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng, quốc gia, quốc tế.

Từ khóa tìm kiếm nhiều: chính sách công, chính sách là gì