Các bước trong quy trình chuẩn bị chính sách

    Từ khía cạnh nội dung, xây dựng chính sách mang tính kỹ thuật chuyên môn hơn bởi vì nó bao gồm việc thu thập, phân tích các thông tin, phát triển các phương án giải quyết vấn đề. Vấn để trung tâm của việc xây dựng chính sách là so sánh chi phí và kết quả. Kỹ năng chủ yếu ở đây là phân tích chi phí – lợi ích, từ đó xây dựng các phương án với các lộ trình và tác động khác nhau.

Các bước trong quy trình chuẩn bị chính sách

    Những người tham gia chính trong quá trình này là các chuyên gia, các nhà tư vấn, các viên chức có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng. Các tổ chức đóng vai trò chính có thể bao gồm các uỷ ban chuyên môn của Quốc hội, các ban chuyên môn của Đảng, các cơ quan nghiên cứu, các bộ liên quan, các tổ chức tư vấn phi chính phủ, và đặc biệt là tiểu ban chuẩn bị chính sách, được thành lập trên cơ sở liên ngành và bao gồm các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm, các quan hệ chính trị v.v.. Về căn bản, quy trình này cần có các bước sau:

1)    Xác định các đối tượng chính sách.

2)     Xác định các kết quả cần đạt đối với các đôi tượng này.

3)     Xác định các chi phí dự tính.

4)     Xác định các phương án chính khả thi.

5)     Xác định các tác động phụ, các hiệu ứng lan tởa khác.

6)    So sánh kỹ thuật giữa các phương án này theo các tiêu chí được định lượng rõ ràng.

    Trên cơ sở các thông tin có tính kỹ thuật này, việc thông qua chính sách cuối cùng sẽ mang nhiều tính chính trị hơn, bởi vì vấn đề trung tâm ở đây là giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích. Vai trò của “các nhân tố chủ quan” như hệ tư tưởng, quan điểm, các chuẩn mực giá trị là rất quan trọng trong việc quyết định phương án nào sẽ được lựa chọn.

    Ngoài ra, tại nhiều nước trên thế giới, việc đưa ra công chúng lấy ý kiến từ các nhóm đối tượng và các tổ chức liên quan thường là một quy định có tính bắt buộc trong các chính sách lớn. Việc lấy ý kiến như vậy, có hai ý nghĩa:

+ Loại trừ tính cục bộ của các nhà hoạch định, tăng tính khoa học, bổ sung các khía cạnh mà chỉ có những người liên quan nhìn thấy rõ nhất.

+ Tạo sự đồng thuận, từ đó giảm các chi phí cưỡng chế trong quá trình thực hiện.

    Như vậy, có hai hoạt động để ra quyết định một chính sách: Thứ nhất, các tư tưởng chủ đạo của một chính sách phải được phát triển, đồng thời các hình thức hành động cũng phải được quyết định (xây dựng các phương án chính sách) và trên cơ sở đó các dự thảo chính sách được đưa ra. Thứ hai, sau khi đã xác định được các vấn đề trên, chúng phải được cụ thể hoá trong các văn bản luật, nghị định, quy định hành chính,… và phải được phê chuẩn bởi các cơ quan có thẩm quyền (tức “thông qua chính sách”).